Dị ứng thức ăn là một phản ứng miễn dịch bất lợi với một loại protein trong thực phẩm. Dị ứng thức ăn khác với không dung nạp thức ăn, phản ứng dược lý và phản ứng qua trung gian độc tố ...
Dị ứng thức ăn
Dị ứng thức ăn là một phản ứng miễn dịch bất lợi với một loại protein trong thực phẩm. Dị ứng thức ăn khác với không dung nạp thức ăn, phản ứng dược lý và phản ứng qua trung gian độc tố. Protein trong thực phẩm là thành phần dị ứng phổ biến nhất. Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể xác định nhầm một protein là có hại, cho rằng cơ thể đang bị tấn công nên gửi các tế bào bạch cầu đến bảo vệ và gây ra phản ứng dị ứng. Những phản ứng này có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng như: viêm da dị ứng, rối loạn tiêu hóa, suy hô hấp hay sốc phản vệ đe dọa tính mạng cần phải được cấp cứu.
Dị ứng thức ăn hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị dị ứng phải tránh tiếp xúc với loại protein thức ăn đã gây dị ứng. Một số loại thuốc có thể sử dụng để ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc điều trị các phản ứng dị ứng. Dị ứng thức ăn. đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, là một vấn đề y tế công cộng rất quan trọng.
Nguyên nhân & Phân loại
Dị ứng thức ăn dễ xuất hiện ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, thường kết hợp với các bệnh: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, chàm và hen suyễn.
Các yếu tố thuận lợi cho dị ứng thức ăn gồm: di truyền, chủng tộc và độ tuổi, trong đó yếu tố di truyền được xem là quan trọng nhất.
Khoảng 70% các cặp song sinh cùng trứng bị các bệnh dị ứng chung, 40% các cặp song sinh khác trứng có cùng một loại dị ứng. Cha mẹ mắc các bệnh dị ứng thì con cái của họ nguy cơ bị dị ứng cao hơn so với các trẻ khác. Tuy nhiên, một số biểu hiện dị ứng lại không cùng kiểu gen, ví dụ cha mẹ bị dị ứng với đậu phộng thì con có thể bị dị ứng với cỏ phấn hương, nghĩa là khả năng phát triển bệnh dị ứng được kế thừa và liên quan đến một bất thường trong hệ thống miễn dịch, nhưng các chất gây dị ứng cụ thể thì không có tính kế thừa.
Thời gian gần đây, tỷ lệ mắc các rối loạn dị ứng mà không thể được giải thích bằng yếu tố di truyền đang có chiều hướng gia tăng, có thể do các thay đổi trong môi trường sống hiện nay như: tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm trong thời thơ ấu, ô nhiễm môi trường, các loại chất gây dị ứng và chế độ ăn uống thay đổi.
Có 3 nhóm dị ứng thức ăn dựa theo cơ chế của phản ứng qua trung gian và/hoặc không qua trung gian Ig E (immunoglobulin E). Ở các nước Mỹ và Anh, tỉ lệ dị ứng thức ăn qua trung gian Ig E xảy ra cho khoảng 8% trẻ em và 3% người lớn.
Triệu chứng
Các triệu chứng dị ứng thức ăn ở mỗi cá nhân thường xảy ra khác nhau. Lượng thực phẩm cần thiết để kích hoạt một phản ứng dị ứng cũng thay đổi tùy theo cơ địa mỗi người. Những phản ứng dị ứng thức ăn qua trung gian Ig E có khởi phát cấp tính, từ vài giây đến một giờ, gồm có:
- Phát ban,
- Ngứa miệng, môi, lưỡi, cổ họng, mắt, da, hoặc các vị trí khác,
- Sưng ( phù mạch ) môi, lưỡi, mí mắt, hoặc toàn bộ khuôn mặt,
- Khó nuốt,
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi,
- Khàn giọng,
- Thở khò khè và / hoặc khó thở,
- Buồn nôn,
- Ói mửa,
- Đau bụng và / hoặc co thắt dạ dày,
- Sốc phản vệ.
Những người có tiền căn hen suyễn hoặc bị dị ứng với đậu phộng, hải sản rất dễ có nguy cơ bị sốc phản vệ.
Các thực phẩm thường gây dị ứng
- Phổ biến nhất là dị ứng với đậu phộng, thường gặp ở trẻ em và đôi khi rất nghiêm trọng. Các loại hạt trái cây khác như bồ đào, hạt thông, dừa, cây óc chó, kiwi, vừng, thuốc phiện…cũng thường gây dị ứng. Một người có thể nhạy cảm với một loại hạt cụ thể hoặc nhiều loại hạt khác nhau.
- Dị ứng với trứng ảnh hưởng đến khoảng 1/50 trẻ em, thường do mẫn cảm với protein của lòng trắng chứ không phải do lòng đỏ.
- Sữa bò, sữa dê hoặc cừu cũng là chất gây dị ứng khá phổ biến. Nhiều người không thể dung nạp được các sản phẩm từ sữa như pho mát. 10% trẻ em bị dị ứng với sữa sẽ có phản ứng với thịt bò vì thịt bò có chứa một lượng nhỏ protein có trong sữa bò.
- Các loại thực phẩm khác chứa protein có thể gây dị ứng gồm: đậu nành, lúa mì, cá, sò, ốc, trái cây, rau, bắp, gia vị, màu tự nhiên hay tổng hợp và các hóa chất phụ gia.
Mức độ mẫn cảm với thức ăn khác nhau tùy theo các yếu tố di truyền, chủng tộc và độ tuổi nhưng thường gặp nhất là dị ứng với các loại thức ăn rất phổ biến là sữa , trứng , đậu phộng , hạt trái cây , hải sản (tôm, cua, sò, ốc, hến) , đậu nành và lúa mì.
Mỗi độ tuổi thường bị dị ứng với một loại thức ăn nhất định, có thể kéo dài trong đời nhưng cũng có thể khỏi ở một độ tuổi nào đó. Một số nghiên cứu cho thấy mức độ IgE cao nhất trong thời thơ ấu và giảm nhanh ở độ tuổi từ 10 đến 30. Dị ứng có thể xảy ra ở trẻ từ 1-7 tuổi với các loại hạt cứng; 6-36 tháng tuổi với hạt mè; tuổi trưởng thành với nghêu sò, ốc hến, tôm, cua, cá và thường dai dẳng. Trong khi đó, trẻ em 6 - 24 tháng tuổi thường bị dị ứng với lòng trắng trứng gà, sữa bò, lúa mì, đậu nành…và mức độ dị ứng giảm dần theo thời gian. Dị ứng thức ăn cũng xảy ra theo từng địa phương. Nếu dị ứng với trứng gà, sữa bò gặp hầu hết các nơi trên thế giới thì dị ứng mù tạt hay gặp ở Pháp, hạt vừng lại thường gặp ở Israel, dị ứng cá biển thường gặp ở các nước ăn nhiều cá ngừ trong đó có nước ta.
Dị ứng thức ăn chéo
Some children who are allergic to cow's milk protein also show a cross sensitivity to soy-based products. There are infant formulas in which the milk and soy proteins are degraded so when taken by an infant , their immune system does not recognize the allergen and they can safely consume the product.Một số trẻ em dị ứng với protein sữa bò cũng có sự nhạy cảm chéo với các sản phẩm đậu nành. Những người dị ứng với latex (nhựa cao su tổng hợp) thường cũng bị dị ứng với chuối, kiwi, bơ, và một số loại thực phẩm khác.
Chẩn đoán phân biệt
- Không dung nạp Lactose do thiếu enzyme lactase, không phải do dị ứng.
- Bệnh Celiac, là một bệnh tự miễn được kích hoạt bởi các protein gluten như gliadin (có trong lúa mì và lúa mạch).
- Hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Phù mạch di truyền do thiếu C1 esterase inhibitor gây đau bụng và tiêu chảy thường xuyên.
Phòng ngừa
Theo một báo cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, "có bằng chứng cho thấy rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 4 tháng đầu sau sanh, so với công thức nuôi dưỡng trẻ sơ sinh với protein sữa bò, có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự xuất hiện của bệnh viêm da thể tạng, tình trạng dị ứng sữa bò và thở khò khè trong thời thơ ấu”
Rất khó xác định lượng thức ăn tối thiểu đủ gây ra một phản ứng dị ứng. Do đó, người có tiền sử dị ứng thức ăn cần tuân theo một chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Trong một số trường hợp, phản ứng quá mẫn có thể được kích hoạt ngay khi chỉ tiếp xúc với kháng nguyên qua da, qua đường hô hấp, hôn.
Một số kháng nguyên gây dị ứng lại thường là nguồn cung cấp phổ biến các loại vitamin và khoáng chất, các chất dinh dưỡng như chất béo và protein. Việc tránh sử dụng những loại thực phẩm để giảm bớt nguy cơ gây dị ứng có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường đề xuất các nguồn thực phẩm khác thay thế các vitamin và khoáng chất thiết yếu ít gây dị ứng.
Điều trị
Dị ứng thức ăn hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nguyên tắc chính của điều trị dị ứng thức ăn là tránh dùng các loại thực phẩm đã được xác định là chất gây dị ứng.
Những người lần đầu tiên bị dị ứng thức ăn, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được điều trị và hướng dẫn phòng ngừa thích hợp.
Điều trị nguyên nhân gây dị ứng thức ăn bao gồm hoặc liệu pháp miễn dịch (giải mẫn cảm) hoặc người bị dị ứng phải tránh tất cả các hình thức tiếp xúc với loại thực phẩm mà họ đã bị dị ứng. Kháng thể kháng IgE (omalizumab - Xolair) có tác dụng điều trị dị ứng đối với một vài loại thức ăn nhất định. Người đã được chẩn đoán bị dị ứng thức ăn cần tránh bất kỳ sự tiếp xúc nào với các chất đã gây dị ứng, bao gồm cả việc đụng chạm trực tiếp, gián tiếp hoặc hít phải loại thực phẩm đó. Nếu vô tình tiếp xúc với loại thức ăn gây dị ứng, sốc phản vệ có thể xảy ra rất nguy hiểm. Ở một số quốc gia, những người có cơ địa nhạy cảm, thường bị dị ứng thức ăn, luôn phải mang theo trong người dạng thuốc tiêm epinephrine (EpiPen) để có thể xử trí cấp cứu kịp thời hoặc phải mang một số trang sức có cảnh báo y tế.
Bác sĩ LÊ ĐỨC THỌ
Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn
Theo: 1/- FOOD ALLERGY - MayoClinic.com
2/- FOOD ALLERGY - Wikipedia.org