"Của bền tại người" là nguyên tắc bất di bất dịch trong việc sử dụng đồ đạc trong nhà, bếp từ cũng không ngoại lệ, nắm rõ 6 nguyên tắc vàng dưới đây sẽ giúp bếp từ của bạn thêm bền đẹp
Tăng tuổi thọ của bếp từ với 6 nguyên tắc vàng
Bếp từ đang dần thay thế vị trí của bếp gas trên thị trường thiết bị bếp nói chung và trong mỗi căn bếp của gia đình Việt nói riêng. Với nhiều ưu điểm nổi bật như tính thẩm mỹ, hiệu quả nấu nướng cao đặc biệt là độ an toàn gần như tuyệt đối cho người dùng, bếp từ ngày càng chứng minh sự vượt trội về tính năng và được nhiều gia đình tin dùng. Tuy nhiên việc sử dụng bếp từ như thế nào để tăng tuổi thọ của bếp thì lại là điều không phải chị em nội trợ nào cũng biết. Hãy cùng Hữu Thắng tham khảo những nguyên tắc vàng trong quá trình sử dụng bếp từ để bếp bền đẹp theo thời gian.
Nguyên tắc 1: Vị trí đặt bếp và số 10 an toàn
Lấy vị trí đặt bếp làm trung tâm, xung quanh vị trí đó 10cm không được để bất kỳ vật dụng phát nhiệt nào, bởi trong qua trình sử dụng bếp nếu xung quanh có các vật dụng phát nhiệt sẽ tương tác với nguồn nhiệt của bếp từ và gây hỏng các linh kiện bên trong, dẫn đến việc khó thay thế. Để đảm bảo thì bạn nên để lưng bếp cách tường khoảng 10cm và cách xa các đồ dùng khác ít nhất là 5cm.
Đặc biệt với các thiết bị điện tử như: tivi, điện thoại, lò vi sóng, lò nướng.... cần đặt cách bếp từ ít nhất 1 mét để đảm bảo an toàn cho các thiết bị này và tránh gây nhiễu sóng.
Nguyên tắc 2: Chú ý đến việc điều chỉnh nhiệt độ cho bếp khi nấu ăn
Với phần lớn các gia đình đang sử dụng bếp gas rồi chuyển sang dùng bếp từ thì đây thực sự là là một “cuộc chuyển giao” lớn trong việc thay đổi thói quen nấu nướng. Với bếp gas việc điều chỉnh nhiệt độ nấu tương quan với độ to – nhỏ của ngọn lửa gas, tức là bằng trực quan bạn hoàn toàn có thể biết được cần điều chỉnh mức gas ra sao. Tuy nhiên đến bếp từ thì việc điều chỉnh nhiệt độ là cả một quá trình ghi nhớ và cần sự cẩn thận của người dùng. Nhiều chị em nội trợ trong thời gian đầu sử dụng bếp từ thường than phiền rằng các món ăn dễ bị cháy khét dưới đáy nồi, điều này là do việc điều chỉnh nhiệt độ của bếp khi nấu ăn không được thực hiện đúng. Nguyên tắc ở đây là hãy chú ý đến việc tăng giảm nhiệt độ, bắt đầu từ mức nhiệt thấp nhất và tăng dần dần cho phù hợp với từng món hoặc nếu cảm thấy cần thiết và bạn có thể kiểm soát được nhiệt độ của bếp.
Nguyên tắc 3: Vệ sinh bếp từ ngay sau khi dùng xong
Bất cứ thiết bị gia dụng nào, kể cả bếp từ, cũng đều phải được vệ sinh thường xuyên. Riêng với bếp từ, việc vệ sinh bếp càng dễ dàng bởi bề mặt bếp phẳng thuận lợi cho việc lau chùi. Sau mỗi lần sử dụng, bạn nên sử dụng khăn thấm nước lau sơ trên mặt bếp, tuyệt đối không dùng các hóa chất khác như chất tẩy, dầu hỏa… sẽ ảnh hưởng đến bề mặt bếp. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thói quen tổng vệ sinh cho bếp hàng tuần hoặc hàng tháng để đảm bảo bếp luôn mới, sạch sẽ.
Nguyên tắc 4: Chú ý nguồn điện của bếp từ
Sau khi sử dụng bếp xong không nên rút điện ra ngay và phải đợi cho bếp nguội hẳn, tránh trường hợp không dùng mà bếp vẫn hoạt động, sẽ rất nguy hiểm. Cũng không nên cắm quá nhiều phích cắm vào cùng một ổ sẽ gây ra quá tải. Không gian đặt bếp cũng phải tránh xa những nơi ẩm ướt, dễ gây ra chạm điện. Ngoài ra, cần phải chú ý dùng điện áp đúng với yêu cầu của loại bếp. Ví dụ bếp yêu cầu điện 220V thì chỉ được dùng ổ cắm cấp điện 220V.
Nguyên tắc 5: Bảo vệ bề mặt bếp
Mặc dù mặt bếp được làm từ chất liệu kính cường lực chịu nhiệt siêu bền, chống xước tốt, bạn cũng không nên để các vật dụng kim loại như dao, thìa trên mặt bếp lâu ngày sẽ gây ra trầy xước và mờ mặt bếp. Những vật dụng này hấp thụ nhiệt từ bếp điện rất nhanh, nếu không cẩn thận mà chạm tay vào bạn có thể bị bỏng.
Nguyên tắc 6: Luôn nhớ rằng “An toàn là trên hết”
Không được sử dụng bếp điện khi bếp đang hỏng, đồng thời, không được tự ý sửa bếp nếu bạn không hiểu rõ về nó. Những hành động này có thể làm cho bếp hư hỏng nặng thêm hoặc bạn có thể gặp nguy hiểm trong quá trình sử dụng. Tốt nhất, bạn nên liên hệ với nhà sản xuất hoặc các trung tâm sửa chữa để bếp điện có thể hoạt động một cách bình thường và ổn định.