bộ công thương quyết định giảm giá nhập khẩu từ 5% xuống 0% để bình ổn lại giá gas trong thị trường.
Bộ Công Thương ủng hộ đề xuất của Hiệp hội Gas Việt Nam: Giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0% để giúp kiềm chế tình trạng tăng giá gas khi giá thế giới tăng cao
ảnh minh họa giảm giá sản phẩm gas
Vấn đề đặt ra là có nên “giải cứu” giá gas trong thời điểm hiện nay hay không vì mặt hàng này lên - xuống có chu kỳ và việc tăng giá có thể chỉ trong ngắn hạn. Cái gốc của vấn đề là phải giải quyết được chuyện nội tại của ngành gas lâu nay khiến ngành hàng này kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến việc khó tiết giảm chi phí để hạ giá bán.
Ủng hộ giảm thuế song phải sửa đổi quy định
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 2/12, trả lời báo chí về việc giá gas tăng sốc, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho rằng theo quy định của Luật Giá và Nghị định 107/CP thì Bộ Tài chính là cơ quan quản lý về giá gas. Mặt hàng này phụ thuộc vào giá thế giới, hiện giá thế giới đã tăng 267,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2011. Do đó, giá bình gas bán lẻ trong nước bất ngờ tăng 70.000-80.000 đồng/bình, gây nhiều bức xúc đối với người tiêu dùng.
Theo ông Chiến, để góp phần “hạ nhiệt” giá gas, Bộ Công Thương ủng hộ đề xuất của Hiệp hội Gas với Bộ Tài chính về việc giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này từ 5% xuống 0%. “Thực tế, giá gas cao không chỉ người tiêu dùng cảm thấy bất bình mà cả doanh nghiệp (DN) gas cũng lo lắng vì người tiêu dùng sẽ sử dụng nguyên liệu khác như than, củi, điện… để thay thế” - ông Chiến nói. Về mặt quản lý, ông Chiến cho rằng Nghị định 107/CP chính là công cụ hữu hiệu để quản lý giá gas. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã rà soát, đánh giá và phát hiện có nhiều điểm trong nghị định không còn phù hợp và phải sửa đổi.
Theo hay không theo giá thế giới?
Một thành viên Chi hội Gas miền Tây cho rằng ngành gas Việt Nam tuy nói vận hành theo cơ chế thị trường nhưng việc một đơn vị nhà nước (và các công ty trực thuộc) chiếm thị phần hơn 70% từ đầu nguồn thì nhà nước muốn “điều tiết” hay “hỗ trợ” cũng không quá khó. Có thể các công ty này đóng góp lớn cho ngân sách nhưng nếu “hy sinh” một ít quyền lợi để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng thì mới làm thay đổi tình hình hiện nay
Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, ông Trần Minh Loan, cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng nên có cơ chế nào đó để giá gas trong nước bớt lệ thuộc vào thế giới.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas, cho rằng Việt Nam đã hội nhập quốc tế nên việc giá gas trong nước liên thông với giá thế giới là điều tất yếu. “Nếu bây giờ gas sản xuất trong nước bán giá thấp thì vấn đề đặt ra là ai mua được lượng gas giá rẻ này, ai dám chắc sẽ không nảy sinh tiêu cực, xin cho? Cũng không có gì bảo đảm người tiêu dùng sẽ được lợi hay một bộ phận trung gian nào đó! Hơn nữa, nếu giá trong nước thấp hơn thế giới chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng xuất lậu, khó kiểm soát!” - bà Mẫn nói.
Mới đây, Hiệp hội Gas Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương cần công khai việc “đấu giá 100% gas sản xuất trong nước, bảo đảm nguyên tắc minh bạch, hiệu quả, công bằng giữa các DN kinh doanh gas tham gia đấu giá và chỉ được bán cho các thương nhân đầu mối”. Tuy nhiên, giữa các DN trong hiệp hội cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay, nguồn gas từ nhà máy Dinh Cố đưa ra đấu thầu 75%, Dung Quất đấu thầu 50%, còn lại phân phối cho các công ty thành viên theo giá trúng thầu. Xem qua đã khá công bằng nhưng đại diện một công ty gas tư nhân cho biết ngoài giá gas còn có giá vận chuyển (Premium) có thể xê dịch theo hướng có lợi cho các công ty thành viên. Do đó, các DN gas hiện nay có cạnh tranh nhưng chưa công bằng.
Cần điều tra việc bắt tay tăng giá
Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia, giá gas tăng mạnh trong 2 ngày qua ngoài tác động của giá thế giới còn do các DN và đại lý không chia sẻ với người tiêu dùng, luôn giữ mức lợi nhuận khá cao, tới 30%. Một số hãng gas tăng giá theo phong trào vì “nếu không tăng sẽ bị thiệt”.
Điều khiến người tiêu dùng bức xúc hơn là trên thực tế, khi một bình gas đến tay người tiêu dùng thông qua các đại lý bán lẻ thì giá được đẩy lên thêm nữa. Và mỗi cửa hàng lại có giá bán khác nhau, cùng một loại gas nhưng giá chênh nhau từ 20.000-30.000 đồng/bình. “Qua những hiện tượng lặp lại nhiều lần cùng tăng, giảm giá bán đã cho thấy có chuyện bắt tay nhau cùng tăng giá. Tuy vậy, để kết luận đó có phải là hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, Cục Quản lý cạnh tranh cần phải thu nhập chứng cứ, điều tra để có biện pháp xử lý” - một chuyên gia đề xuất.